Google có quá nhiều chuyên gia công nghệ và định hướng nghiên cứu, vì vậy rất khó để tìm ra một người có thể lãnh đạo tất cả lĩnh vực.
Thuật ngữ CTO (Giám đốc công nghệ) bắt nguồn từ các công ty công nghệ. Đây là người xây dựng nền tảng kỹ thuật ổn định cho doanh nghiệp, đưa ra những dự báo công nghệ, đảm bảo sự phát triển của tổ chức trong tương lai. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ như ở Google – nơi không có chức danh CTO nhưng vẫn là tập đoàn công nghệ phát triển mạnh mẽ bậc nhất thế giới.

“Nghe có vẻ vô lý nhưng sự thật là Google chưa từng ‘quy hoạch’ chức danh CTO. Từng có những người đảm nhiệm vai trò dẫn dắt mảng công nghệ của tập đoàn như Wayne Rosing, Urs Holzle, Alan Eustace…, nhưng những người này chưa bao giờ chịu trách nhiệm chung về tất cả lĩnh vực của tổ chức như một CTO thực thụ”, Harry Glaser, kỹ sư phần mềm đang làm việc tại Google nói.
Google hiện có hơn 98.000 nhân viên, hơn 5.000 quản lý, cũng như hàng nghìn giám đốc và khoảng 100 phó chủ tịch. Ngoài ra Google cũng có nhiều công ty con với các cơ cấu tương tự. Nói cách khác, ở Google có quá nhiều chuyên gia công nghệ và quá nhiều hướng nghiên cứu. Các chuyên gia của họ có thể giỏi trong nhiều lĩnh vực, nhưng không thể tìm được một người biết tất cả để quản lý chung, như công việc của một CTO ở các tổ chức khác.
Ihor Feoktistov, CTO của Relevant, công ty chuyên về các giải pháp học, làm việc trực tuyến cho rằng: Một số công ty lớn thường không có giám đốc kỹ thuật theo nghĩa thông thường. Nếu tổ chức không có vị trí CTO, công việc của anh ta có thể được thực hiện bởi CEO hoặc CIO. Ví dụ, Bill Gates là một giám đốc điều hành, nhưng cũng là một nhà sáng lập kỹ thuật tuyệt vời và một người có tầm chiến lược về công nghệ. Google cũng là một trường hợp đặc biệt, CEO của họ không hẳn là CTO nhưng họ cũng không cần một chức danh cụ thể để quản lý tất cả lĩnh vực công ty đang theo đuổi.
Feoktistov cũng đặt ra thắc mắc rằng nếu Google có một CTO đúng nghĩa, chịu trách nhiệm chung về định hướng, tầm nhìn chiến lược trên phạm vi toàn cầu, công ty liệu có thể phát triển mạnh mẽ hơn bây giờ không? Rất khó để có được câu trả lời. Ngay cả Google cũng chưa từng đưa ra một bình luận nào về việc này.
Tuy nhiên, giới công nghệ cho rằng, bản thân mỗi kỹ sư của Google đã xứng đáng là một CTO, vì vậy, họ không cần thêm một chức danh như vậy trong tổ chức. Nghe có vẻ phô trương, nhưng điều này hoàn toàn có lý nếu nhìn vào những cựu nhân viên của Google đang giữ vị trí lãnh đạo công nghệ trong các công ty ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tháng 3/2019, Miguel Andrés, cựu lãnh đạo kỹ thuật cấp cao của Google trở thành CTO của Badi – nền tảng cho thuê phòng trực tuyến bằng AI. Tháng 2/2021, Injong Rhee, Phó chủ tịch mảng IoT của Google đầu quân cho Bowery Farming – công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp với vị trí CTO. Một giám đốc công nghệ khác trong lĩnh vực bảo hiểm là Alan Warren cũng là cựu kỹ sư của Google.
“Google chưa từng có một CTO đúng nghĩa nhưng đây như cái nôi đào tạo giám đốc công nghệ cho cả thế giới, từ những công ty khởi nghiệp cho đến các tập đoàn tài chính toàn cầu”, Omar, kỹ sư đang làm việc tại Microsoft nói.
Bình chọn Lãnh đạo công nghệ trẻ xuất sắc
Nhằm vinh danh đóng góp của những người đứng đầu về công nghệ, đặc biệt là thế hệ nhà lãnh đạo công nghệ trẻ, VnExpress tổ chức chương trình Bình chọn 10 Lãnh đạo công nghệ trẻ 2021.
Chương trình dành cho người đứng đầu về công nghệ trong tổ chức, doanh nghiệp (CEO công ty công nghệ, CTO hoặc quản lý công nghệ trong các lĩnh vực), dưới 35 tuổi và đã có thành tích nhất định trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ, tìm ra bài toán tăng trưởng bằng công nghệ, mang lại hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của công ty.
Các CEO, CTO, nhà lãnh đạo công nghệ có thể tự ứng cử hoặc gửi hồ sơ đề cử các nhân vật xứng đáng. Thời gian gửi thông tin từ ngày 1/4 đến 23/4. Danh sách Top 10 sẽ được lựa chọn dựa trên số lượt bình chọn của độc giả (30%) từ ngày 26/4 đến 14/5 và điểm chấm của Ban giám khảo (70%).
Lễ vinh danh sẽ diễn ra trong sự kiện CTO Summit doVnExpress tổ chức vào ngày 20/5 tại TP HCM. Sự kiện với chủ đề Chuyển đổi số sẽ là nơi các lãnh đạo công nghệ kể những câu chuyện thực tế trong công việc, chia sẻ những kinh nghiệm, bài học, khó khăn mà họ gặp phải, cũng như cách họ đã vượt qua để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp của mình.
Theo VnExpress